Tư vấn cách làm bài thi Olympic tiếng Anh THCS và lên kế hoạch học tiếng Anh toàn diện

Để giải đáp thắc mắc của phụ huynh và học sinh trước khi vòng sơ khảo kì thi Olympic tiếng Anh 2016 diễn ra, báo điện tử Dân trí phối hợp với Tổ chức giáo dục Language Link Việt Nam tổ chức buổi tư vấn “Cách làm bài thi Olympic tiếng Anh THCS và lên kế hoạch học tiếng Anh toàn diện” vào 14h chiều nay 5/1.

olympav

Các khách mời tham gia buổi tư vấn “Cách làm bài thi Olympic tiếng Anh THCS và lên kế hoạch học tiếng Anh toàn diện” vào 14h chiều nay 5/1.

Chiều nay, các chuyên gia đến từ Tổ chức giáo dục Language Link và các cựu quán quân Olympic tiếng Anh THCS đã giải đáp cặn kẽ các câu hỏi của quý phụ huynh và học sinh.

Xin mời bạn đọc theo dõi buổi tư vấn dưới đây:

Câu hỏi: Thưa thầy, có cách nào học từ vựng hiệu quả không thầy, em học từ vựng mãi mà thấy chưa hiệu quả lắm?

Chuyên gia Gavan Iacono:

Chào bạn. Để nâng cao vốn từ vựng có nhiều cách. Khi bạn cần nâng cao từ vựng trong một thời gian ngắn để chuẩn bị cho các bài thi, bạn có thể sử dung word cards hoặc các phần mềm học từ vựng (flash cards) để hệ thống lại từ vựng nhanh và hiệu quả.

Về lâu dài để có vốn từ vựng phong phú và có thể sử dụng được trong Nói và Viết, bạn nên tăng cường tiếp xúc với tiếng Anh thông qua Nghe- Đọc. Trung bình bạn phải nhìn hoặc nghe thấy từ đó sử dụng ít nhất 7 lần để có thể ghi nhớ. Vậy nên khi bạn đọc và nghe nhiều, tần suất lặp lại từ vựng đó sẽ giúp bạn ghi nhớ lâu hơn. Ngoài ra nếu bạn có thể giao tiếp nhiều bằng tiếng Anh, bạn cũng có thể duy trì số lượng từ vựng đã học mà không bị quên theo thời gian. Chúc bạn học từ vựng thành công.

Lai Thi Ngoc Tram, Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. - Mobile: 09829147xx 

Nhờ các anh chị tư vấn giúp việc lên kế hoạch học tiếng Anh toàn diện cho con trai em (cháu hiện học lớp 4).

Chuyên gia Tô Ngân Hà: Chào chị! Nếu bé nhà chị chưa tiếp xúc với tiếng Anh bao giờ thì có thể bắt đầu từ những khóa học cơ bản để con có thể tiếp xúc với giáo viên bản ngữ nhằm tăng cường khả năng phát âm chuẩn ngay từ sớm. Ngoài ra, con có thể bắt đầu tiếp xúc với chương trình ngữ pháp cơ bản dành cho lứa tuổi tiểu học. Điều này sẽ giúp con hòa nhập với môi trường học tiếng Anh tại các trường phổ thông, cũng như xây dựng nền tảng vững chắc cho kỹ năng Nghe-Nói sau này. Khi hết lớp 5, con sẽ chuyên lên chương trình dành cho lứa tuổi 11 đến 15. Khóa học này tập trung phát triển cho các con cả những kỹ năng giao tiếp Nghe- Nói với người bản ngữ và các nội dung kiến thức ngữ pháp, từ vựng, làm bài thi phổ thông quan trọng. Kỹ năng Đọc-Viết cũng phải được bắt đầu từ sớm, trong lứa tuổi này. Như vậy, con có thể bắt đầu từ những khóa học tăng phản xạ giao tiếp, xây dựng kiến thức cơ bản, sau đó tiếp tục với những khóa tiếng Anh chuyên sâu hơn cho từng kỹ năng dành cho học sinh phổ thông. Chúc bé nhà chị thành công và yêu thích bộ môn tiếng Anh!

Đinh Hương Giang, Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

Hiện tại con trai tôi đang học lớp 9. Cháu có kiến thức tiếng Anh về kỹ năng nghe, đọc tương đối vững. Tuy nhiên, kỹ năng về nói, viết chưa thực sự tự tin và phong phú về từ. Tôi muốn liên hệ với Trung tâm xem sắp tới có lớp học nào phù hợp để đăng ký cho cháu học luyện cả 4 kỹ năng để chuẩn bị hết lớp 11 cho cháu thi chứng chỉ quốc tế. Rất mong nhận được thông tin từ Qúy Trung tâm. Xin chân thành cảm ơn.

Chuyên gia Tô Ngân Hà: Chào chị. Chúng tôi rất cám ơn vì chị đã chia sẻ quan tâm của mình với Language Link Vietnam. Hiện tại với học sinh lớp 9, chúng tôi có chương trình dành cho học sinh phổ thông, đào tạo cả 4 kỹ năng toàn diện Nghe-Nói-Đọc-Viết và kỹ năng làm các bài thi chuyên. Các khóa học này do giáo viên bản ngữ và giáo viên Việt Nam nhiều kinh nghiệm tham gia giảng dạy. Đây là nền tảng rất tốt về tiếng Anh học thuật để khi lên cấp 3, các con có thể phát triển sâu hơn từng kỹ năng và hướng đến các bài thi quốc tế. Chị có thể gọi điện trực tiếp để Language Link để được tư vấn cụ thể hơn!

Tô Thị Thu Phong - tothuphong@...

Con trai tôi đang học lớp 3, cháu rất ngại học tiếng Anh, đặc biệt kỹ năng nói gần như không biết. vậy tôi phải làm thế nào ạ/ rất mong có câu trả lời!

Chuyên gia Tô Ngân Hà: Chào chị! Chúng tôi rất cám ơn vì chị đã chia sẻ quan tâm của mình với Language Link Vietnam. Rất nhiều bà mẹ cũng có chung lo lắng với chị và chúng tôi rất hiểu vấn đề này. Tại các trường phổ thông ở Việt Nam, thường các con phải học nhiều ngữ pháp, từ vựng tiếng Anh theo cách giáo viên giảng bài- học sinh nghe và ghi chép. Ở lứa tuổi còn nhỏ, các con cần có môi trường phong phú và đa dạng nhiều màu sắc để yêu thích môn học cũng như thấy tự nhiên khi giao tiếp. Khi con thấy các bạn xung quanh, thầy cô giáo giao tiếp tiếng Anh thường xuyên, con sẽ thấy hứng thú và muốn lắng nghe, đọc hay nói chuyện hơn. Vì thế để con trai chị không ngại ngần khi giao tiếp và sử dụng tiếng Anh, chị có thể đưa con đến những môi trường mà con có thể gặp bạn đồng trang lứa và cùng chung sở thích. Language Link Vietnam có rất nhiều kinh nghiệm với lứa tuổi tiểu học. Chị có thể gọi điện trực tiếp để được tư vấn cụ thể hơn.

Le Thi Sang - Tuổi: 34

Cô có hai em năm nay học lớp 7 và lớp 5, cháu có thể chia sẻ cụ thể kinh nghiệm học tiếng Anh của cháu cho em nhà cô học hỏi nhé.

Bạn Như Anh:

Cháu chào cô,

- Bí quyết đầu tiên của cháu là đam mê với tiếng Anh, tiếng Anh mang lại cho cháu niềm vui. Cháu có thể dành 4 tiếng mỗi ngày để học tiếng Anh. Thậm chí, cháu cố gắng dành nhiều thời gian nhất có thể. Nó không chỉ là môn học mà là niềm đam mê của cháu. Cháu xin chia sẻ một số bí quyết học tiếng Anh của cháu như sau ạ:

- Thầy cô chỉ dẫn nhưng  vẫn tự nghiền ngẫm, mày mò: Các thầy cô giúp cháu có tài liệu ban đầu. Sau đó, cháu về nhà tự học và nghiền ngẫm kiến thức, tìm tòi thêm cái mới và luyện tập. Cháu tìm trên mạng, tìm tài liệu ở hiệu sách, nhờ người mua hộ… Và mỗi khi tìm được tài liệu mình cần nó như một sự trải nghiệm, cháu sẽ rất trân trọng và sau khi đọc tài liệu đó, cháu sẽ nhớ rất lâu.

Luyện tập nhiều: Mỗi khi rảnh là cháu làm bài tiếng Anh. Cháu không làm một cách vô thức mà cháu phải tìm hiểu rõ bản chất của nó. Nếu cháu làm sai, cháu sẽ phân tích từng yếu tố ngôn ngữ xem mình sai ở đâu.

Tổng hợp, củng cố kiến thức: Sau khi cháu làm nhiều bài tập khác nhau, cháu sẽ tổng hợp lại thành các dạng bài rồi củng cố những kiến thức đã học.

- Vạch kế hoạch học: Dù đam mê tiếng Anh nhưng cháu chủ trương thường không học ngày thứ 7, Chủ nhật. Thời gian đó cháu chủ yếu dành cho việc nghỉ ngơi. Còn những ngày trong tuần, cháu dành 3 tiếng để học tiếng Anh thường từ 7-10 pm. Cháu chia ra  học 1 tiếng đọc, 1 tiếng nghe, 1 tiếng học ngữ pháp hoặc ngồi viết luận 1,5 tiếng.

Cháu có cuốn sổ, mỗi ngày cháu dự định làm gì, cháu ghi vào đó. Hàng ngày, cháu mở sổ ra và cứ thế làm theo.

Nguyen Hang My, Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

Thầy cô có thể cho con hỏi phương pháp ôn thi hiệu quả nhất để có thể sẵn sàng cho ngày thi 10/1 sắp tới được không ạ? Cần ôn những nội dung, chủ đề, dạng bài nào ạ?

Chào con! Cám ơn con đã gửi câu hỏi cho chương trình. Đa số các phần trong bài thi đều tập trung vào những kiến thức trong chương trình phổ thông. Vì vậy trước tiên con nên học thật chắc chắn kiến thức cơ bản để có thể tự tin trả lời câu hỏi. Ngoài ra con nên làm quen với kỹ năng làm bài thi bằng cách luyện các dạng bài thi tương tự. Con nên đặt thời gian như thi thật, sau đó tự kiểm tra và rút kinh nghiệm. Chúc con làm bài thi tôt nhé!

Nguyễn Ngọc My, Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

Bài thi gồm có bao nhiêu câu, theo hình thức Trắc nghiệm hay tự luận. Có mất bài đọc? Có phần phát âm và trọng âm không?

Chào bạn! Bài thi sẽ bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm để kiểm tra những phần chính như sau: phần ngữ âm (phát âm và trọng âm), ngữ pháp, từ vựng, đọc-hiểu, viết lại câu, xây dựng câu và tìm lỗi sai. Bài thi không có phần tự luận. Chúc bạn thành công!

Nguyễn Phan Hưng, Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

Cho em hỏi format bài thi vòng 2 là thế nào ạ? Có thể cho em tips về phần nghe và phần nói được không ạ?

Bạn Như Anh: Ở phần thi nghe sẽ được nghe hai lần, lần đầu tiên chị tập trung nghe để cố gắng trả lời nhiều câu nhất có thể, còn lượt thứ hai chị nghe để kiểm tra những câu đã chắc chắn và tập trung nghe thông tin cho những câu lượt đầu chưa nghe được và ghi lại vào nháp để có thể luận ra đáp án chính xác nhất.

Bài thi nghe càng về sau càng khó, em phải cố gắng tập trung nhất có thể. Phần nghe dễ có mẹo khi các đáp án đều lần lượt xuất hiện trong bài nghe. Em nên gạch chân câu hỏi là gì và chú ý nghe câu trả lời đúng cho câu hỏi đó.

- Ở phần thi nói: Trước khi bắt đầu phần thi nói, giám khảo thường cho thí sinh 45s-1p chuẩn bị, tận dụng thời gian đó, em nên lựa chọn một ý tưởng tốt nhất, bản thân mình tự tin nhất để có thể trả lời được sâu hơn hoặc dễ dàng phát triển nội dung. Ngoài ra chú ý cách phát âm, nhấn âm, cách truyền tải ý tưởng của mình và tạo ấn tượng ban đầu tốt với ban giám khảo. Ví dụ: Khi gặp hoặc tạm biệt ban giám khảo nên chủ động chào hỏi niềm nở, xem như đây là một cuộc trò chuyện bình thường hơn là tâm lý căng thẳng bước vào phòng thi, như thế câu chuyện sẽ diễn ra dễ dàng và vui vẻ hơn nhiều, tạo sự thoải mái cho cả thí sinh lẫn giáo viên. Bên cạnh đó, em nên thể hiện cảm xúc phù hợp với những gì mình đang nói. Đó là những chi tiết rất nhỏ nhặt nhưng sẽ giúp em ghi điểm với ban giám khảo.

Một điểm em cần đặc biệt lưu ý, phần thi nói sẽ được chấm điểm trên cả 5 tiêu chí gồm từ vựng, ngữ pháp, phát âm, tương tác và mức độ thành thạo nên cần cả một quá trình tập luyện lâu dài, đặc biệt vốn từ vựng và ngữ pháp.

Trần Mai Linh, Hà Tây

Con đang học lớp 9, vì gia đình ở vùng quê nên không có điều kiện học ở các trung tâm hay tiếp xúc trực tiếp với tiếng Anh. Con muốn hỏi làm thế nào để giỏi phần Listening, Speaking tiếng Anh với ạ. Và ngữ pháp con cũng muốn trau dồi. Con phải học như thế nào để có thể theo kịp các bạn học chuyên ạ?

Lời khuyên của Tôi là cháu nên tận dụng tối đa công nghệ tiên tiến của thế kỷ 21 để rút ngắn khoảng cách địa lý giúp chúng ta có thể tiếp xúc với kiến thức và thông tin với khoảng cách hang ngàn cây số trong thời gian ngắn nhất. Hãy sử dụng sách điện tử, các chương trình, phần mềm học tiếng Anh trên Internet, youtube để tạo ra môi trường tiếng Anh ngay tại nhà. Tuy nhiên, bên cạnh việc tự học với các phương tiện truyền thông, nghe nhìn, thì việc tìm người hướng dẫn rất quan trọng. Cháu có thể tìm những lời khuyên bổ ích từ thầy cô giáo của mình hoạc nếu không thể đến theo học tại các trung tâm tiếng Anh trong năm học thì hãy cố gắng sử dụng thời gian nghỉ hè để tham gia các khóa học chính qui tại các trung tâm tiếng Anh uy tín để tang cường các kĩ năng giao tiếp tiếng Anh của mình.

Chúc cháu thành công.

Nguyễn Phạm Hồng Ánh, Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

Hiện nay em đang học lớp 8, mà kiến thức ngữ pháp của em cũng chưa chắc chắn lắm, em thì muốn thi chuyên ngữ, mà các dạng bài thi chuyên ngữ chủ yếu là bài chia động từ, còn về phần viết luận em chưa lm bao giờ nên me cũng khá lo. Hiện tại thì em đang theo học giáo viên dạy ở trường chuyên, tuy nhiên lớp cũng khá đông, nên phần lớn em đều phải tự học mà em lại vào sau nữa nên lại phải cố gắng nhiều hơn,. Vậy cho em hỏi bên trung tâm có khóa nào luyện thi chuyên về môn tiếng anh không ạ, và phần viết luận ko ạ? tại vì phần viết luận theo em nói thì cũng chưa viết bao giờ nên khá khó ạ, nếu nói về phần ngữ pháp thì chưa chắc lắm, vậy bên trung tâm còn khóa nào về ngữ pháp không ạ? Thật sự thì muốn thi chuyên có khi phải học những kiến thức nâng cao lắm mới có thể đủ điều kiện. Em cảm ơn ạ.

Chuyên gia Tô Ngân Hà: Chào em. Cám ơn em đã chia sẻ quan tâm của mình với Language Link Vietnam. Đa số học sinh Việt Nam khi chuẩn bị các kỳ thi tiếng Anh đều có chung những lo lắng như em. Vì thế Language Link cung cấp các khóa học tiếng Anh dành cho những học sinh muốn thi vào trường chuyên hoặc phát triển tiếng Anh toàn diện nhất. Tại các khóa học này, các em học sinh được học ngữ pháp từ cơ bản đến nâng cao, phù hợp với các bài thi yêu cầu cao cả về kiến thức và kỹ năng. Các em được làm quen với nhiều dạng bài thi trong các kỳ thi tiếng Anh quan trọng do giáo viên Việt Nam đảm nhiệm và được học với giảng viên nước ngoài để tăng khả năng Nghe và Nói. Đây cũng là một môi trường rất thuận lợi vì sĩ số mỗi lớp nhỏ, đảm báo giáo viên có thể quan tâm đến từng bạn và đa số các bạn đều có năng lực tiếng Anh tốt và cùng chung mục tiêu. Em có thể liên lạc với Language Link để được tư vấn cụ thể hơn.

Trần Gia Hiển, Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. ,  09132259xx

Từng phần của bài kiểm tra Olympic sẽ được kiêm tra chung trong 1 ngày hay nhiều ngày khac nhau? Bài thi tiếng anh được làm trong bao nhiêu lâu? Bài thi tiềng Anh có bao nhiêu phần?

Chuyên gia Tô Ngân Hà: Chào bạn. Kỳ thi bao gồm phần sơ khảo diễn ra vào ngày 10.1 và phần chung khảo vào ngày 28/2/2016. Bài thi vòng sơ khảo kéo dài 90 phút.Bài thi này sẽ bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm để kiểm tra những phần chính như sau: phần ngữ âm (phát âm và trọng âm), ngữ pháp, từ vựng, đọc-hiểu, viết lại câu, xây dựng câu và tìm lỗi sai.Bài thi chung khảo bao gồm 30-45 phút phần Nghe và 15 phút phần Nói (bao gồm thời gian chuẩn bị). Chúc em thành công!

Đào Thi Hà, Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

Mình có thể hỏi về lộ trình học Tiếng Anh mà bố mẹ bạn hướng cho bạn qua từng giai đoạn không?

Bạn Giang Phương Linh: Mình bắt đầu học tiếng Anh từ năm 7 tuổi. Theo mình, tiếng Anh nên học từ sớm vì trẻ em dễ tiếp thu hơn và có thể học được cách phát âm chuẩn ngay từ đầu. Đầu tiên, mình học thiên về ngữ pháp để nắm chắc được những phần cơ bản trong tiếng Anh. Sau đó mình mới bắt đầu phát triển thêm về từ vựng. Để luyện tập khả năng nghe và nói, mình cũng tham gia nhiều buổi gặp gỡ với người bản xứ hay các trại hè có người nước ngoài hướng dẫn. Ngoài ra, ở nhà, mình cũng tự luyện tập tiếng Anh qua một số trang web chuyên về nghe nói trên mạng Internet hay các trang tin tức như BBC để củng cố thêm từ vựng và tăng cường vốn hiểu biết của bản thân.

Giai đoạn tiếp theo là khi mình ôn tiếng Anh chuyên để thi vào trường THPT Hà Nội Amsterdam. Mình cũng bắt đầu ôn thi từ rất sớm với sự chuyên biệt vào từng kĩ năng Nghe - Nói - Đọc - Viết. Về kĩ năng nghe và nói, mình đã chia sẻ trong câu hỏi ở trên. Riêng về phần đọc, bạn nên chú trọng vào phần ngữ pháp và từ vựng nhiều hơn. Khi làm bài thi, bạn nên đọc câu hỏi và câu trả lời trước khi bắt đầu bài đọc để xác định được mình cần tập trung vào nội dung nào. Riêng về phần viết, ngữ pháp và từ vựng vẫn là 2 yếu tố quan trọng. Tuy nhiên bạn nên đọc thêm những bài viết mẫu để tham khảo cách viết và các ý tưởng hay để có thể áp dụng trong bài thi của mình. Ngoài ra, mình cũng luyện tập thêm nhiều kĩ năng làm bài thi bằng cách làm các đề thi thử hoặc đề thi các năm trước.

Hiện tại, mình đang tập trung ôn luyện để chuẩn bị cho kế hoạch du học Mỹ vào năm 2018. Mình chỉ chuyên tâm vào các tài liệu dành riêng cho các kì thi như TOEFL hay ACT. Mình cũng làm nhiều các bài thi thử để có thể làm quen với các kì thi quốc tế này.

Bạn Như Anh: Em bắt đầu học tiếng Anh từ 4 tuổi, mẹ em không đặt nặng học hành mà chỉ cho em tiếp xúc tiếng Anh một cách tự nhiên. Đến năm lớp 5, em giành được giải Nhì cuộc thi Olympic Tiếng Anh Tiểu học và giành được học bổng khóa học Anh ở Languagelink.

Năm học lớp 5, lớp 6, em có học tiếng Anh với cô giáo luyện thi và các anh chị lớp trên. Do đó, em biết dạng bài thi, cách thức làm bài, kiến thức cần để thi. Đặc biệt, khi học lớp 6, em đã chú trọng đến việc học ngữ pháp, học cách viết sao cho chuẩn. Trước đây, em học theo kiểu:

Nghe – tiếp thu – viết theo cách của mình. Sau, em học theo kiểu viết luận giúp chuẩn bị cho các cuộc thi với những từ ngữ với cấu trúc chuẩn. Sau này, em bắt đầu tiếp xúc với các dạng bài chuẩn hóa quốc tế. Đến bây giờ, khi đã vào cấp 3, em tập trung luyện thi các chứng chỉ SAT 1. SAT 2, ACT và IELTS. Mục tiêu của em là xin học bổng đi du học các nước như Mỹ, Úc.

Le Thi Sang - Tuổi: 34

Cô có hai em năm nay học lớp 7 và lớp 5, cháu có thể chia sẻ cụ thể kinh nghiệm học tiếng Anh của cháu cho em nhà cô học hỏi nhé.

Bạn Giang Phương Linh: Đầu tiên, cháu nghĩ là hai em vẫn cần học chú trọng về từ vựng và ngữ pháp cơ bản. Sau đó mới phát triển kĩ năng nghe và nói nâng cao. Ngoài việc đi học thêm tại các trung tâm tiếng Anh, các em cũng nên tự học tại nhà bằng một số tài liệu như Grammar in Use cho ngữ pháp hay BBC Learning English để củng cố thêm từ vựng. Khi đã có vốn từ vựng và ngữ pháp, bạn có thể bắt đầu luyện tập phần nghe và nói bằng các tài liệu hướng dẫn thi IELTS hay các trang luyện nghe - nói trên Internet.

Nếu các em muốn luyện thi vào các trường chuyên cấp 3 thì các em có thể tìm và ôn luyện các đề thi thử hay các đề thi từ năm trước để làm quen dần với dạng đề. Cô cũng có thể khuyến khích các em tham gia một số kì thi Tiếng Anh để các em biết được chính xác khả năng của mình, từ đó có thể học tập tiến bộ hơn.

Nguyễn Công Sơn

Học như thế nào để phát âm thật chuẩn để người nghe dễ hiểu?

Chuyen gia Gavan Iacono: Không có phép mầu nào ở đây cả. Đơn giản, học tiếng Anh và phát âm chuẩn là một quá trình bao gồm: nghe và áp dụng theo, đặc biệt bạn nên luyện nghe nói với người bản xứ để kĩ năng được phát triển tự nhiên. Ngoài ra, bạn nên tăng cường tiếp xúc vói tiếng Anh bản ngữ càng nhiều càng tốt thông qua nhiều phương tiện khác nhau, ví dụ như xem phim, nghe tin tức… Càng thực hành nhiều thì phát âm của bạn càng tốt hơn.

Ngoài ra, có một số lỗi thường gặp của người Việt Nam khi nói tiếng Anh mà bạn nên chú ý trong quá trình luyện nói để phát âm chuẩn hơn và dễ hiểu hơn. Ví dụ: Người Việt Nam phát âm ngắn từng từ riêng lẻ trong khi đó, trong tiếng Anh, các từ thường nối với nhau, như vậy câu nói sẽ tự nhiên hơn. Phụ âm cuối cũng rất quan trọng trong tiếng Anh. Để người nghe có thể hiểu từ được nói, người bản ngữ thường nhấn rất rõ phụ âm cuối, trong khi người Việt Nam thường bỏ qua hoặc phát âm không rõ.

Một điểm đặc biệt là nhiều người Việt Nam nghĩ rằng nói tiếng Anh nhanh mới là tốt và thể hiện sự trôi chảy, nhưng thực tế, hiểu nội dung mình muốn nói là quan trọng hàng đầu trong giao tiếp tiếng Anh.

Điểm quan trọng tiếp theo là ngữ điệu trong câu nói. Người Việt Nam thường không nói đúng ngữ điệu của người bản xứ nên dễ dẫn đến hiểu lầm. Chẳng hạn, một câu ngữ điệu lên hoặc xuống có thể thay đổi ý nghĩa từ khen thành chê.

Nguyễn Quang Minh, 04376686xx

Em băn khoăn không biết cơ cấu bài thi viết như thế nào và trọng số điểm dành cho mỗi phần ra sao? Cụ thể, trong bài thi có phải viết luận không? Nếu có, trọng số điểm dành cho bài luận là bao nhiêu? Tương tự, phần đọc hiểu có trọng số bao nhiêu? Trân trọng cảm ơn.

Chuyên gia Tô Ngân Hà: Chào em. Bài thi sẽ bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm để kiểm tra những phần chính như sau: phần ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, đọc-hiểu, viết lại câu, xây dựng câu và tìm lỗi sai. Bài thi không có phần tự luận. Số điểm bài thi sẽ chia đều cho các phần nội dung nêu trên. Chúc em làm bài thi tốt!

Nguyen Thi Van, 09453230xx

Phần thi sơ khảo học sinh phải làm bao nhiêu câu trắc nghiệm và thời gian làm bài là bao lâu? 2. Có phải học sinh phải đạt vòng sơ khảo mới được thi vòng chung khảo? Hay là thi 2 vóng xong mới tính điểm? 3. Ở vóng thi chung khảo học sinh làm bài trong bao lâu? 4. Để học sinh làm bài thi tốt học sinh cần chuẩn bị những gì? Rất mong nhận được sự tư vấn từ các thầy cô.

Chuyên gia Tô Ngân Hà: Bài thi vòng sơ khảo sẽ trong vòng 90 phút. Bài thi chung khảo bao gồm 30-45 phút phần Nghe và 15 phút phần Nói (bao gồm thời gian chuẩn bị). Đa số các phần trong bài thi đều tập trung vào những kiến thức và kỹ năng cơ bản. Vì vậy bạn nên học thật chắc chắn kiến thức để có thể tự tin trả lời câu hỏi.

Để làm tốt phần thi Nghe em nên tăng cường thường xuyên tiếp xúc với tiếng Anh bản địa qua nhiều phương tiện để có phản xạ tốt khi làm bài thi.

Trong phần thi Nói, luyện tập luôn là phương thức hiệu quả nhất. Em có thể tự luyện một mình hoặc cách tốt hơn, em nên tham gia vào môi trường có thể giao tiếp với người bản ngữ hoặc bạn bè có cùng đam mê, sở thích nói tiếng Anh.

Khi tham gia phần thi nào, em cũng nên tự tin và giữ tinh thần thoải mái.  Chúc em có kết quả tốt!

Phạm Hoàn, Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

Làm thế nào để học giỏi tiếng Anh? Học thêm hay tự học? Nếu tự học thì phải bắt đầu học như thế nào cho hiệu quả?

Bạn Như Anh: Bí quyết đầu tiên và quan trọng nhất để học tiếng Anh tốt của chị là tiếp xúc tiếng Anh từ rất sớm. Ngay từ khi học mẫu giáo, chị may mắn được tiếp xúc với tiếng Anh do bố mẹ dạy. Lúc đó, các bạn nói tiếng Việt, nhưng chị biết tiếng Anh, đó là điều làm chị thích thú và thấy mới lạ.

Chị cũng thường xem phim hoạt hình của Walts Disney bằng tiếng Anh. Lúc đầu nghe không hiểu nhưng xem đi xem lại cùng với hình ảnh trên phim, dần dần chị ý thức và hiểu được từ trong phim. Vì thế, xem phim giúp chị luyện kỹ năng nghe một cách rất tự nhiên.

Nếu gia đình em không có điều kiện để tạo môi trường rèn luyện tiếng Anh cho con tại nhà thì em có thể đi học tại các trung tâm, hoặc nghiên cứu mua các tư liệu như truyện, sách, băng đĩa tiếng Anh giúp em có cơ hội tiếp xúc với tiếng Anh sớm. Quan trọng là cách tiếp cận tiếng Anh nên học tập người bạn ngữ, luyện tập Nghe - Nói trước, còn từ vựng và ngữ pháp sẽ phát triển dần sau. Khi đã Nghe Nói tốt thì sẽ học ngữ pháp và từ vựng rất nhanh.

Khi học Tiểu học, tại trường chị cũng được học với các giáo viên nước ngoài và các môn học bằng tiếng Anh nên chị gần như không học thêm ở đâu mà chủ yếu tự học bằng niềm đam mê. Và như chị đã nói ở trên nếu tự học hãy bắt đầu học như người bản xứ, học trình tự Nghe - Nói - Đọc.

Hà Mai Anh, maianh.ha@...

Con tôi hiện đang học lớp 7, tiếng Anh của cháu khá tốt. Tôi muốn cho con học tiếng Anh bài bản để cháu có thể được tham gia vào các kì thi nhưng tôi không biết cần phải cho cháu học chương trình hay cách học nào cho phù hợp?

Chuyên gia Gavan Iacono: Như tôi đã trả lời một câu hỏi tương tự ở trên, để giúp con học tiếng Anh bài bản, phụ huynh nên giúp con lên một lộ trình học tập từ sớm và kiên trì theo lộ trình ấy. Ở LLV, chúng tôi có chương trình đặc biệt được thiết kế dành riêng cho học sinh THCS, chương trình kết hợp giữa tiếng Anh học thuật và các kĩ năng làm bài thi trong nước và quốc tế để giúp các em đạt kết quả tốt nhất trong các kì thi. Gia đình có thể đến trung tâm LLV gần nhất để biết thêm thông tin chi tiết và đưa ra sự lựa chọn tốt nhất.

Chuyên gia Gavan Iacono đang trả lời câu hỏi của bạn đọc.
Chuyên gia Gavan Iacono đang trả lời câu hỏi của bạn đọc.

Bui Thi Thuy, Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

Để nghe tiếng Anh tốt và mở rộng vốn từ vựng có nên xem phim với phụ đề không?

Chuyên gia Gavan Iacono: Xem phim với phụ đề tiếng Anh không phải là cách tốt nhất để cải thiện kĩ năng nghe tiếng Anh và mở rộng vốn từ vựng bởi việc sử dụng phụ đề có thể khiến người học nhầm lẫn giữa hai ngôn ngữ. Trong tiếng Anh, người học có thể đoán được nghĩa của các từ dựa vào hình ảnh và hoàn cảnh cụ thể. Việc học ngoại ngữ là một quá trình bao gồm việc tiếp thu (từ mới, cấu trúc ngữ pháp) và áp dụng vào thực tế. Việc sử dụng tiếng mẹ đẻ sẽ làm chậm lại quá trình này, vì vậy, chỉ sử dụng tiếng Anh trong quá trình học sẽ giúp người học tư duy bằng tiếng Anh, qua đó, đẩy nhanh quá trình tiếp thu và sử dụng tiếng Anh.

Đặng Thu Hằng, 016578945xx

Cháu có một điểm yếu là khi đối mặt với giáo viên trong bài thi nói, cháu hay bị cuống, và diễn đạt các ý không trôi chảy, ý nọ xọ ý kia. Bác có lời khuyên nào giúp cháu đạt điểm cao ở phần thi nói không ạ?

Chuyên gia Gavan Iacono: Để đạt điểm cao ở phần thi nói, điều quan trọng nhất là cháu phải tự tin, bình tĩnh. Để làm được điều đó, cháu hãy có sự chuẩn bị tốt nhất trước kì thi, hãy luyện tập với một ai đó như thể cháu đang thi thật, hãy tạo cho mình một tâm lý thoải mái, không áp lực chuyện thi cử, điểm số. Trong lúc thi, hãy cố trình bày ý tưởng của mình một cách mạch lạc, rõ ràng. Nếu quá căng thẳng, hãy hít một hơi thật sâu và tự trấn an rằng “Mình sẽ làm tốt”. Chúc cháu thư giãn để thành công trong phần thi nói!

Bông Mai, Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

Năm nay cháu dự thi Olympic tiếng Anh THCS. Cháu được biết phần thi trắc nghiệm ở vòng 1 khá căng thẳng với số lượng câu hỏi nhiều. Bác có thể chia sẻ một số bí quyết để làm bài thi trắc nghiệm tốt được không ạ?

Chuyên gia Gavan Iacono:  Bài thi trắc nghiệm khá khác với bài thi tự luận thông thường vì áp lực thời gian của bài thi trắc nghiệm là rất cao. Để làm tốt một bài thi trắc nghiệm tiếng Anh, ngoài kiến thức, cháu cần có những kỹ năng và chiến lược làm bài nhất định. Tôi xin chia sẻ với cháu một số kĩ năng như sau:

1. Kỹ năng bút chì và tẩy

Bút chì và tẩy dù là hai công cụ đơn giản nhưng cực kì quan trọng đối với các thí sinh làm bài thi trắc nghiệm. Cháu nên mang 2-3 bút chì đã gọt sẵn để nếu bút này gãy thì có thể dùng ngay bút khác thay thế. Không nên gọt bút chì quá nhọn, mà nên để đầu bút chì hơi tù thì diện tích tiếp xúc của chì với giấy sẽ nhiều hơn, tô đáp án sẽ nhanh hơn, không làm rách giấy thi.

Cùng với bút chì, tất nhiên cháu nên mang theo tẩy. Không nên sử dụng tẩy ở đầu bút chì, vì ngay việc quay đầu bút để tẩy cũng sẽ tốn đến mấy giây. Cháu nên mang một cục tẩy rời, tay phải cầm bút, tay trái cầm tẩy để nếu có trả lời sai câu hỏi nào, cháu có thể tẩy ngay.

2. Phương pháp phỏng đoán và loại trừ  

Có người nghĩ rằng đoán không phải là một cách hay. Tuy nhiên, nếu không chắc chắn về câu trả lời thì việc phỏng đoán một cách lôgic và khoa học là giải pháp hay.

Trong trường hợp cháu có thời gian để suy nghĩ, nhưng không chắc chắn về câu trả lời thì có thể dùng phương pháp loại trừ. Trong 4 phương án trả lời, cháu có thể phân tích và tìm ra câu trả lời sai. Như vậy, câu trả lời đúng sẽ nằm trong số còn lại. Nếu loại trừ được càng nhiều phương án sai thì xác suất chọn được câu trả lời đúng càng cao.

Trong trường hợp không có thời gian để đọc kỹ câu hỏi thì cháu cũng không nên bỏ trống câu trả lời. Chẳng hạn, nếu còn 10 câu hỏi mà chỉ còn 1 phút để trả lời, cách tốt nhất là chọn bất cứ một chữ cái nào đó. Chẳng hạn là B, và điền câu trả lời B vào tất cả các câu hỏi còn lại. Như vậy, xác suất đúng sẽ cao hơn, trong điều kiện thời gian còn quá ít.

Phân bổ thời gian

Thông thường, số lượng câu hỏi trong một bài thi trắc nghiệm là khá nhiều và thí sinh không có nhiều thời gian để suy nghĩ. Do đó, trong quá trình làm bài, nếu cháu đọc một câu hỏi 2 lần mà chưa trả lời được thì có thể dùng phương pháp loại trừ và phỏng đoán để chọn lấy một câu trả lời, rồi chuyển sang câu hỏi khác.

Đọc trước câu hỏi để định hướng nội dung cần tìm trong bài đọc hiểu

Câu hỏi đầu tiên trong đoạn văn thường là câu hỏi về chủ đề, ý chính hoặc tiêu đề phù hợp cho đoạn văn - “Which of the following is the main idea/point/purpose/topic/best title of/for the passage?" Nếu thấy câu hỏi loại này xuất hiện đầu tiên trong bài đọc hiểu, cháu đừng trả lời ngay câu hỏi này, mà nên trả lời các câu hỏi tiếp theo trước. Sau khi đã trả lời hết các câu hỏi khác, cháu sẽ biết nội dung chính của bài đọc là gì và có thể trả lời câu hỏi này tốt hơn.

Trả lời những câu hỏi có từ “định hướng”

Những câu hỏi có từ “định hướng” sẽ cho cháu biết câu hỏi là về vấn đề gì, và giúp cháu định hướng phải tìm thông tin gì trong bài đọc.

Ví dụ, nếu gặp câu hỏi như sau: “According to the passage, Tom was…”, thì cần phải tìm trong đoạn văn nội dung nói về Tom. Như vậy, “Tom” chính là từ định hướng trong câu hỏi này. Từ định hướng thường là những danh từ hoặc cụm danh từ, là những từ in hoa, con số và từ viết tắt.

Để trả lời dạng câu hỏi này, cháu nên làm theo những bước sau:

Bước 1: Đọc câu hỏi và tìm ra từ “định hướng”

Bước 2: Tìm từ “định hướng” trong đoạn văn

Bước 3: Khi đã tìm ra từ “định hướng”, đọc câu phía trước từ đó và chính câu chứa từ “định hướng”.

Bước 4: Nếu đã tìm ra thông tin, trở lại phần câu hỏi và câu trả lời để tìm câu trả lời gần nhất với thông tin trong đoạn văn.

Bước 5: Nếu không tìm thấy thông tin cần cho câu trả lời, từ “định hướng” có thể xuất hiện trở lại trong phần sau của đoạn văn. Lặp lại bước 2 đến bước 4 mà thí sinh gặp từ “định hướng”.

Trần Ngọc Chung, 01663556xxx

Con tôi năm nay cũng có được tham gia EO, tuy nhiên, vì cháu ở huyện ngoại thành nên cơ hội theo học tại các trung tâm lớn với giáo viên nước ngoài không có nên cháu khá lo lắng với phần thi nghe nói. Ông có lời khuyên nào cho cháu không?

Chuyên gia Gavan Iacono:  Đối với các cháu ở ngoại thành, không có điều kiện học trực tiếp với giáo viên bản ngữ, cháu có thể rèn luyện thêm kĩ năng nghe-nói bằng cách học online, học qua radio, băng đĩa, TV… Hiện nay, internet đã khá phổ cập, và các cháu hoàn toàn có thể tiếp cận các nguồn học nghe-nói với người bản ngữ thông qua phương tiện này. Rất nhiều học sinh mà chúng tôi biết đã học qua cách này và thành công.

Các cháu không cần nói nhanh, nói hay, trước tiên cần phải nói rõ rang, mạch lạc. Trình bày đúng và đủ ý là quan trọng nhất

Đỗ Hoàng Trung, 098381xxxx

Phần thi nói được chấm điểm dựa trên những tiêu chí nào? Liệu giáo viên chấm điểm thi nói có khách quan không?

Chuyên gia Gavan Iacono:  Trong phần thi nói, các thí sinh sẽ được chấm điểm dựa trên 4 tiêu chí bao gồm: phát âm (pronunciation) phải rõ ràng, nhấn trọng âm; ngữ pháp (grammar) phải chính xác và đúng cấu trúc câu; từ vựng (vocabulary) phải rộng theo độ tuổi của học sinh và phải trôi chảy (fluency), tự nhiên. Ngoài ra, các yếu tố phi ngôn ngữ như giọng nói, ngữ điệu, và ngôn ngữ cơ thể đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giúp thí sinh ghi điểm cao.

Chị có thể yên tâm, chắc chắn giáo viên rất công bằng trong quá trình chấm điểm. Đây là tôn chỉ của LLV. Giáo viên của chúng tôi được được đào tao theo chuẩn quốc tế đồng nghĩa với việc các tiêu chí chấm điểm mà giáo viên sử dụng cũng phải theo chuẩn quốc tế: công bằng, minh bạch. Chỉ cần tự tin, cơ hội với mọi học viên là như nhau. Kết quả phụ thuộc vào chính khả năng của thí sinh.

Nguyễn Thị Mai, 0983245xxx

Tôi có con sẽ tham gia EO2, tôi nghe nói ở vòng 2 sẽ có phần thi nói với giáo viên nước ngoài. Ông có thể cho biết cụ thể các thí sinh sẽ phải nói những gì? Và phần trình bày nên được thực hiện như thế nào để đạt điểm cao?

Chuyên gia Gavan Iacono:  Bài thi nói của Olympic tiếng Anh gồm 3 phần:

Phần 1: Tự giới thiệu – Học sinh giới thiệu ngắn về bản thân

Phần 2: Học sinh nói về 1 chủ đề đã được chọn

Phần 3: Học sinh thảo luận sâu hơn về chủ đề đã nói ở phần 2 với giáo viên

Phần thi nói được chấm dựa trên 5 tiêu chí: nội dung (logic, mạch lạc), phát âm (rõ ràng, có nhấn trọng âm), ngữ pháp (cấu trúc câu, thời… chính xác), từ vựng (phong phú), độ trôi chảy, và các yếu tố ngoài ngôn ngữ như ngôn ngữ cơ thể, ngữ điệu…

Hãy cố gắng nói nhiều, như trao đổi giữa bạn bè vậy. Đừng trả lời quá ngắn vì càng nhiều thông tin càng chứng tỏ cháu hiểu vấn đề và tự tin trình bày.

Ngọc Hùng, Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

Con tôi hiện đang học lớp 7. Tiếng Anh ở trường của cháu khá tốt. Tôi cũng muốn sau này cháu có thể tham gia vào các kì thi như Olympic tiếng Anh. Tuy nhiên, tôi không tự tin lắm vào khả năng nghe nói của cháu, vì cháu chủ yếu học ngữ pháp, từ vựng từ các cô giáo VN. Theo ông, tôi nên làm thế nào để giúp cháu tăng cường vốn tiếng Anh toàn diện hơn?

Chuyên gia Gavan Iacono:  Để thành công, không chỉ ở các kì thi, mà trong cả quá trình học sau này, học sinh cần sở hữu vốn tiếng Anh toàn diện, chứ không phải học lệch, chỉ mạnh về kĩ năng này hoặc kĩ năng kia. Việc học tiếng Anh toàn diện đang trở thành xu hướng được ưa chuộng trên thế giới. Khi học tiếng Anh toàn diện, học sinh không chỉ thuần thục 4 kĩ năng nghe-nói-đọc-viết, mà còn có các kĩ năng làm bài thi, kĩ năng học tập, kĩ năng xã hội cần thiết để phục vụ cho việc học tập, làm việc về lâu dài. Tại Language Link, các chuyên gia của chúng tôi đã thiết kế Khóa học tiếng Anh Chuyên cho học sinh THCS là khóa học định hướng phát triển tiếng Anh toàn diện cho học sinh. Học sinh được học với cả giáo viên nước ngoài có kinh nghiệm và bằng cấp giảng dạy quốc tế và cả giáo viên Việt Nam giàu kinh nghiệm luyện thi, luyện đề.

Nguyễn Trọng Tuệ, Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

Con tôi là một thí sinh tham gia Olympic tiếng Anh THCS sắp tới, cháu có vốn tiếng Anh khá tốt, nhưng hay bị cuống, mất tinh thần trong các kì thi, nhất là các kì thi có tính cạnh tranh cao. Ông có lời khuyên nào để giúp cháu tự tin hơn khi tham gia EO?

Chuyên gia Gavan Iacono:  Như bất cứ phần thi nào, việc chuẩn bị tốt sẽ quyết định sự tự tin của cháu. Nếu cháu đã có vốn tiếng Anh tốt thì cũng không cần phải lo lắng nhiều. Quan trọng nhất, cháu cần có tâm trạng thoải mái nhất có thể, không để kết quả của kỳ thi trở thành trung tâm sự chú ý của cháu. Bố mẹ chỉ nên giúp con chuẩn bị tốt trước kỳ thi, không nên tạo áp lực cho con, mà phải cho con hiểu rằng kết quả không quan trọng bằng việc con đã tham gia và làm hết sức mình. Ngoài ra, các em hãy hít vào thật sâu vì giáo viên của chúng tôi rất thân thiện, không có việc gì phải lo lắng cả.

Do Chau Giang, Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

Làm thế nào để đạt điểm cao trong phần thi nói?

Bạn Giang Phương Linh: Đầu tiên, trước khi bước vào bài thi, bạn nên ôn luyện qua một số câu hỏi thông thường để làm quen và luyện cách phát âm. Hoặc bạn có thể nghe một số đoạn hội thoại hay xem phim bằng tiếng Anh để có thể nắm bắt được ngữ điệu và cách phát âm của người bản xứ.

Sau đó, trong phần thi, để gây ấn tượng tốt cho người phỏng vấn, các bạn có thể chào hỏi một cách tự nhiên, cố gắng tỏ ra thân thiện hơn bằng cách cười và hỏi một số câu hỏi thông thường để làm quen. Để thể hiện được sự tự tin và khả năng nói trôi chảy của mình, em nghĩ điều quan trọng nhất là phải thật thoải mái, bình tĩnh khi nói chuyện và trả lời câu hỏi của người phỏng vấn một cách lưu loát nhất. Trong khi trả lời câu hỏi, bạn nên trả lời đúng trọng tâm nhưng cũng nên nói sâu hơn về vấn đề được hỏi thay vì ngắt mạch câu chuyện bằng những câu trả lời ngắn. Trong lúc người phỏng vấn đưa ra câu hỏi, bạn cần tập trung nghe thật kĩ câu hỏi để hiểu chính xác ý của người phỏng vấn, rồi mới đưa ra câu trả lời.

Cấu trúc bài thi nói thường sẽ có một vài câu hỏi về bản thân và một phần là nêu nhận xét, đánh giá của mình về một vấn đề được nêu ra. Đối với câu hỏi nêu nhận xét của mình, các bạn nên dành một chút thời gian để suy nghĩ kĩ càng để đưa ra một câu trả lời thật mạch lạc, đúng trọng tâm và cho người phỏng vấn thấy được sự phong phú về ý tưởng của mình.

Đặc biệt, các bạn không nên sử dụng quá nhiều câu phức hay những từ vựng khó mà chỉ cần diễn đạt được đúng và đầy đủ ý của mình một cách mạch lạc nhất.

Bạn Như Anh: Trước khi bắt đầu phần thi nói, giám khảo thường cho thí sinh 45s-1p chuẩn bị, tận dụng thời gian đó, bạn nên lựa chọn một ý tưởng tốt nhất, bản thân mình tự tin nhất để có thể trả lời được sâu hơn hoặc dễ dàng phát triển nội dung. Ngoài ra chú ý cách phát âm, nhấn âm, cách truyền tải ý tưởng của mình và tạo ấn tượng ban đầu tốt với ban giám khảo. Ví dụ: Khi gặp hoặc tạm biệt ban giám khảo nên chủ động chào hỏi niềm nở, xem như đây là một cuộc trò chuyện bình thường hơn là tâm lý căng thẳng bước vào phòng thi, như thế câu chuyện sẽ diễn ra dễ dàng và vui vẻ hơn nhiều, tạo sự thoải mái cho cả thí sinh lẫn giáo viên.

Bên cạnh đó, bạn nên thể hiện cảm xúc phù hợp với những gì mình đang nói. Đó là những chi tiết rất nhỏ nhặt nhưng sẽ giúp bạn ghi điểm với ban giám khảo.

Bạn Giang Phương Linh và bạn Nguyễn Hoàng Như Anh đang trả lời các câu hỏi của độc giả.
Bạn Giang Phương Linh và bạn Nguyễn Hoàng Như Anh đang trả lời các câu hỏi của độc giả.

Phạm Thị Hoài, 0987152xxx

Vòng 2 của cuộc thi Olympic Tiếng Anh THCS được xem là vòng thi thử thách nhiều thí sinh, nhất là ở phần thi nói với giáo viên nước ngoài. Nhìn chung với học sinh Việt Nam, các em rất có lợi thế về ngữ pháp nhưng lại gặp nhiều khó khăn và yếu ở kỹ năng nói. Vậy ông có lời khuyên gì dành cho các em để cải thiện kỹ năng này?

Chuyên gia Gavan Iacono:  

Nói và nghe là 2 kĩ năng có liên quan mật thiết, không thể tách rời, không thể nói tốt nếu nghe kém và ngược lại. Vì thế, để nói tốt, nhất thiết phải luyện tập kĩ năng nghe tốt. Để nghe tốt, các em nhất thiết phải tiếp xúc nhiều với tiếng Anh, có thể là qua xem phim, nghe nhạc, nghe các bản tin tiếng Anh trên đài. Lí tưởng nhất, các em nên nói chuyện với một người nói tiếng Anh, một giáo viên bản ngữ một cách trực tiếp, hoặc nói chuyện qua mạng. Khi được nghe nhiều tiếng Anh, các em sẽ học được cách diễn đạt như người bản xứ, học được cách thể hiện lời nói qua các yếu tố phi ngôn ngữ như giọng điệu, âm điệu, ngôn ngữ cơ thể…, sẽ tích lũy được vốn từ vựng mà người bản ngữ hay dùng…

Hà Mai, Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

Con tôi hiện đang học lớp 6, tôi cũng muốn sau này con có cơ hội tham gia Olympic tiếng Anh để cọ xát với các bài thi chuẩn quốc tế, cũng như định hướng thi chuyên vào cấp 3, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Ông có lời khuyên nào không?

Chuyên gia Gavan Iacono:  

Các bài thi chuẩn quốc tế, cũng như bài thi vào một số trường chuyên cấp 3 môn tiếng Anh thường đòi hỏi học sinh phải có khả năng tiếng Anh toàn diện, phải thành thục cả 4 kĩ năng nghe-nói-đọc-viết. Không những vậy, học sinh cũng cần phải sở hữu các kĩ năng học tập như tư duy độc lập, tư duy phản biện, cũng như kĩ năng làm đề thi nhất định mới có thể thành công. Bởi trên thực tế, nhiều học sinh có vốn tiếng Anh tốt, nhưng thiếu đi những kĩ năng quan trọng này, vẫn có thể thất bại ở các kì thi mang tính cạnh tranh cao. Muốn đạt được những điều đó, học sinh phải có một lộ trình học tập từ sớm, phải xác định những điểm mạnh và yếu của mình để phát triển và bổ sung kịp thời.

Tại Language Link, chúng tôi có khóa học Tiếng Anh Chuyên dành cho Học sinh THCS được thiết kế chuyên biệt cho học sinh từ lớp 6 – lớp 9 muốn cải thiện kết quả học tập tiếng Anh ở trường, hoặc định hướng thi chuyên/chọn, hay thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để đi du học... Khóa học này là sự tích hợp hoàn hảo các kiến thức và kĩ năng cần thiết giúp học sinh thành công ở các kì thi mang tính cạnh tranh cao.

Cụ thể, học sinh sẽ được hệ thống hóa và phát triển kiến thức ngữ pháp, từ vựng, phát âm… từ cơ bản tới nâng cao, được làm quen với các dạng câu hỏi xuất hiện trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi hay đánh giá năng lực học sinh tại các trường trọng điểm, được dạy kỹ năng làm bài thi… được tiếp xúc với ngân hàng đề thi dồi dào câu hỏi của Language Link qua sự giảng dạy tận tình của các giáo viên Việt Nam có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, luyện thi, luyện đề tại các trường chuyên, lớp chọn. Ngoài ra, học sinh cũng được củng cố kĩ năng nghe-nói-đọc-viết với các giáo viên bản ngữ có chứng chỉ sư phạm quốc tế của Language Link.

Quan trọng hơn cả, khi tham gia vào khóa học này, học sinh có cơ hội phát triển tư duy phản biện và kỹ năng suy nghĩ độc lập cũng như những kỹ năng giúp học sinh tự học… - chính những kĩ năng này sẽ giúp học sinh thành công không chỉ ở các kì thi trước mắt, mà trong cả quá trình học tập về sau.

Đỗ Thanh Bình, email: Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

Trước khi đi thi thì em nên ôn như thế nào? Nếu gặp khó khăn với ngữ pháp thì em phải chuẩn bị ra sao? Không được tự tin khi nói, bị ngắc ngứ và tắc chữ thì nên rèn luyện như thế nào (em không có điều kiện nói chuyện với người bản xứ?

Trả lời:

1. Trước khi đi thi thì nên ôn như thế nào?

Bạn Giang Phương Linh: Đối với vòng thi đầu tiên thì nên rà soát qua phần ngữ pháp trước khi thi, em không cần ôn quá nhiều vì như thế rất có thể sẽ bị quá tải và trong lúc thi có thể mất tập trung. Đối với phần thi nghe và nói, trước khi thi em cũng có nghe qua một số bài nghe để chuẩn bị tinh thần và làm quen với giọng nói của người bản xứ. Về phần nói, em có thể luyện qua một số câu hỏi cơ bản để lúc thi có thể trả lời tốt hơn và bình tĩnh hơn khi trả lời. Ví dụ như các câu hỏi giới thiệu về bản thân, trường lớp, gia đình hoặc các câu hỏi về sở thích, thói quen của mình...

Bạn Giang Phương Linh (bên phải) đang tư vấn cho bạn đọc.
Bạn Giang Phương Linh (bên phải) đang tư vấn cho bạn đọc.

Bạn Như Anh: Trước khi đi thi vòng 1, bạn nên xem lại các câu trúc ngữ pháp khó (nên có một cuốn sổ ghi chép trong suốt quá trình học của bạn) và làm thử một số câu trắc nghiệm ngữ pháp, từ vựng (đặc biệt trong đề thi đại học vì cấu trúc đề thi vòng 1 khá giống đề thi đại học). Trước khi thi vòng 2, bạn nên luyện nghe các băng tiếng Anh như luyện thi IELTS, nghe các trang báo học tiếng Anh như VOA, BBC hoặc có thể thư giãn với một số bộ phim tiếng Anh hay bài hát bạn yêu thích.

2. Nếu gặp khó khăn với ngữ pháp thì phải làm sao?

Bạn Giang Phương Linh: Nếu gặp khó khăn với ngữ pháp trong lúc thi thì hãy để câu hỏi đó lại cuối cùng để mình có nhiều thời gian suy nghĩ hơn. Ngoài ra, em có thể dùng phương pháp loại trừ (dựa trên hoàn cảnh nói, các thì, các mệnh đề đã cho trước trong văn bản,...) để có thể chọn ra câu trả lời mà em cho là đúng nhất.

Bạn Như Anh: Như đã nói, trong suốt quá trình học tiếng Anh, bạn nên có một cuốn sổ ghi chép lại những cấu trúc khó. Trước khi đi thi nên xem lại những cấu trúc khó, học thuộc lại bằng cách đặt câu hoặc cố gắng sử dụng những cấu trúc này để trở nên quen thuộc và sử dụng được thông thạo hơn.

Bạn Như Anh (bên phải) đang tư vấn cho bạn đọc.
Bạn Như Anh (bên phải) đang tư vấn cho bạn đọc.

3. Không được tự tin khi nói, bị ngắc ngứ và tắc chữ thì nên rèn luyện như thế nào?

Bạn Phương Linh: Mình nghĩ là ngay cả khi không có điêu kiện nói chuyện với người bản xứ thì mình vẫn có thể luyện nói với các bạn học sinh khác, hoặc luyện nói với chính cô giáo dạy tiếng anh của mình. Cách rèn luyện này có thể không hiệu quả bằng việc nói chuyện trực tiếp với người bản xứ, nhưng nó cũng có thể giúp học sinh tăng sự tự tin khi nói chuyện và các bạn học sinh có thể chuẩn bị trước cho những câu hỏi mà người phỏng vấn có thể đưa ra. Ngoài ra, nếu khi nói bị ngắc ngứ hoặc tắc chữ, em sẽ cố gắng diễn đạt ý bằng một cách khác với những từ ngữ mà mình quen thuộc hơn.

Bạn Như Anh: Các bạn hay nói ngắc ngữ hoặc tắc chữ thường gặp hai vấn đề chính, một là bạn thiếu tự tin, hai là bạn gặp khó khăn trong việc truyền tải ý nghĩ của mình. Nếu ban thiếu tự tin, có thể luyện tập bằng cách nhìn vào gương nói chuyện với bản thân hằng ngày, tập nói chậm, rõ rồi tăng dần tốc độ, quan trọng là cố gắng phát âm chuẩn, đúng ngữ điệu còn nếu bạn không thể truyền tải tốt ý kiến của mình thì nên tăng vốn từ vựng, vốn cấu trúc câu để áp dụng phong phú. Như vậy mạch suy nghĩ của bạn sẽ ổn định hơn giúp bạn bình tĩnh và truyền tải được ý kiến của mình.

Phạm Thị Kế Nghiệp – 0979672xx0

Tôi có 2 con (học lớp 11 và lớp 7) rất thích học tiếng Anh. Các cháu đang tự học tiếng Anh qua mạng nhưng tôi thấy kĩ năng làm bài thi tiếng Anh chưa tốt. Nhờ các thầy, cô tư vấn giúp. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Chuyên gia Tô Ngân Hà: Chào chị. Hai con của chị đều đang ở lứa tuổi phổ thông, như vậy việc phát triển kỹ năng tự học cho con qua các trang web là rất tốt. Tuy nhiên, ở lứa tuổi đó, các cháu cũng cần được hướng dẫn từ những bước cơ bản nhất trong kỹ năng làm bài. Ví dụ các lớp ở bậc phổ thông của Language Link hiện nay học sinh vừa học kiến thức cụ thể, vừa làm quen với các dạng bài thi và kỹ năng làm bài trên đề thi cụ thể. Bộ đề này được phát triển dựa trên các bài thi thật cũng như xu hướng ra đề thi mới. Học sinh sẽ được giáo viên hướng dẫn cách làm bài cũng như giảng dạy những phần ngữ pháp, từ vựng cần thiết. Qua những lần làm bài và được hướng dẫn như vậy học sinh sẽ làm quen và rút kinh nghiệm cho những kỳ thi thực sự.

* * *

Các khách mời trong buổi tư vấn chiều nay:

Chuyên gia giáo dục Gavan Iacono - Tổng giám đốc Language Link Vietnam

Chuyên gia giáo dục Gavan Iacono - Tổng giám đốc Language Link Vietnam.
Chuyên gia giáo dục Gavan Iacono - Tổng giám đốc Language Link Vietnam.

Chuyên gia Tô Ngân Hà:

- Phụ trách Chương trình Tiếng Anh chuyên cho học sinh THCS tại Language Link

- Thạc sĩ Quản trị và Lãnh đạo Giáo dục, ĐH La Trobe, Úc

- Giải thưởng Học giả Trao đổi Fulbright Hoa Kỳ - ASEAN năm học 2014-2015

- Giải thưởng Lãnh đạo Úc (Australia Leadership Award)

- Tác giả của nhiều công trình nghiên cứu trong lĩnh vực học tập và giảng dạy tiếng Anh

Chuyên gia Tô Ngân Hà.
Chuyên gia Tô Ngân Hà.

Bạn Nguyễn Hoàng Như Anh - cựu học sinh Language Link:

- Giải Nhì Olympic Tiếng Anh Tiểu học năm 2009

- Quán quân đồng thời thủ khoa hai vòng thi Olympic Tiếng Anh THCS năm 2014.

- Đỗ chuyên Anh tại 3 trường: chuyên Anh Đại học Quốc gia, Đại học Sư phạm và chuyên Hà Nội Amsterdam

- Giải Nhất Olympic tiếng Anh THPT 2015

Bạn Nguyễn Hoàng Như Anh - cựu học sinh Language Link.
Bạn Nguyễn Hoàng Như Anh - cựu học sinh Language Link.

Bạn Giang Phương Linh:

- Giải Ba môn Tiếng Anh cấp quận năm 2010

- Giải Nhì Tiếng Anh cấp quận năm 2015

- Giải Nhất Olympic Tiếng Anh THCS 2015.

Bạn Giang Phương Linh.
Bạn Giang Phương Linh.

Theo Báo Dân trí 

THI TRAC NGHIEM

ung dung vnpt

dichvuchinhcong

QUY KHUYEN HOC

CO SO VAT CHAT

CO SO DU LIEU

Untitled-1

cong khai

Joomla Templates and Joomla Extensions by JoomlaVision.Com

Tài nguyên giáo dục

 skkn thithutn
thithudh thitn

Học sinh

onlinelogomaker-042415-2120
 

  

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.
Video: lop 12.2 - van nghe 3.2013


Liên kết website

Thăm dò ý kiến

Theo bạn Website này đã đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc chưa?
 

Thống kê

  • Các thành viên : 8
  • Nội dung : 1044
  • Liên kết web : 17
  • Số lần xem bài viết : 5760697
Hiện có 62 khách Trực tuyến

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ TRƯỜNG THPT BẮC TRÀ MY

Địa chỉ: Thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng nam. Tel: (0510) 389 3422.

Powered by TAVICO - 0909.378.208